Hiện nay, diện tích đất rừng ngập mặn được tỉnh Bến Tre đưa vào quy hoạch là hơn 8.800ha. Diện tích này tập trung ở các huyện giáp biển là Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại, tạo thành mảng xanh dọc theo bờ biển của tỉnh. Dưới tán rừng ngập mặn, nhiều hộ dân được giao khoán trông giữ đất rừng cũng đã có những mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, mang lại thu nhập khá, phát triển kinh tế.
Tại huyện Ba Tri, những năm gần đây, mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng ngận mặn đã cho thấy giá trị trong việc phát huy lợi thế tự nhiên. Tận dụng diện tích mặt nước trong khu vực rừng, theo sự hướng dẫn của ngành chức năng địa phương, bà con tạo ao nuôi sò huyết. Với các hộ được giao khoán đất rừng, khoản thu nhập từ nguồn tôm, cua trong tự nhiên vốn chỉ tạm đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Còn khi bà con phát triển thêm các mô hình nuôi thủy sản, điển hình là sò huyết, thì thu nhập mỗi vụ sẽ là một khoản ổn định để tích lũy hoặc tái đầu tư sản xuất. Từ đó nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.
Gắn bó hơn chục năm cùng nghề nuôi sò huyết dưới tán rừng, anh Lâm Văn Nhiễn Em, ngụ tại ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri chia sẻ về khoản thu nhập từ công việc này: Làm nghề này khoảng 15 năm, nhằm năm thì lợi nhuận cũng đạt. Những người mà người ta làm nhiều thì chắc có thể thu hoạch khá, còn như anh thì cũng nuôi nhỏ lẻ thì thu hoạch hàng năm thì kiếm được vài vài chục triệu, cỡ 2-3 chục triệu.
“Hai – ba chục triệu” là một khoản thu nhập không hề nhỏ với những nông hộ vẫn ngày ngày cần mẫn mưu sinh. Đó là chưa kể, nhiều hộ có thể kết hợp nuôi sò huyết chung với tôm, cua hay có những hình thức khai thác giá trị kinh tế khác từ rừng ngập mặn.

Mỗi năm một vụ nuôi sò huyết, bà con có thêm thu nhập khá (Ảnh :Duy Tân)
Với kinh nghiệm tích lũy trong những năm qua, theo anh Nguyễn Văn Dẫn, ngụ tại ấp Thạnh Ninh, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, sò huyết là loài dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, nên đang được bà con vùng bãi bồi ven biển nuôi thả. Tuy nhiên, để sò có tỷ lệ sống cao, thu lợi nhuận bền vững không phải là dễ, vì thế người nông dân cần cải tạo vùng bãi bồi và lựa chọn con giống cho phù hợp: Đầu năm mình nuôi, ví dụ như là là tháng 11 tháng 12 là mình thả, năm tới cũng tháng 11 tháng 12 mình thu, thu xong rồi mình mới cải tạo đất lại. Mình kêu máy cào mỏng ra, cào lên đây mớ, rồi một mớ mình cũng đưa ra lạch, để tái tạo đất mới, mình thả sò cho nó mau lớn.
Ba Tri là một trong ba huyện giáp biển của tỉnh Bến Tre, có những hoạt động sản xuất gắn liền với biển, mang đặc trưng của môi trường nước mặn, nước lợ. Chương trình giao khoán đất rừng và tạo điều kiện để bà con kết hợp việc nuôi sò huyết dưới tán rừng ngập mặn đã cho tín hiệu khả quan. Mô hình này vừa giúp bảo vệ diện tích rừng phòng hộ vừa nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri cho biết: Theo địa phương đánh giá thì hiện nay, với tình hình nuôi sò thì có giá trị kinh tế cao so với các loại thủy sản khác. Năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng thu hoạch sò cao. Qua xem xét đánh giá, việc chúng ta nuôi ở trong khu vực nằm trong rừng ngập mặn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Lý do thì ở khu vực này, việc mà ghe tải lưu thông không có, nên con sò phát triển rất là tốt.

Sò huyết cũng như cua, tôm, phát triển tốt trong môi trường nước dưới tán rừng ngập mặn (Ảnh: Duy Tân)
Với chi phí ban đầu không nhiều, chủ yếu là tiền mua con giống, kết hợp với công chăm sóc, mỗi năm một vụ, bà con có thêm thu nhập từ sò huyết. Giá cả thị trường biến động tùy thời điểm cũng như tùy kích cỡ sò, tuy nhiên với những thời điểm giá đạt mức cao, 120.000 – 130.000 đồng/kg, các hộ nuôi thêm phấn khởi. Quy trình nuôi sò huyết, quan trọng là hộ nuôi cố gắng đảm bảo tốt môi trường nước cho sò phát triển…
Ông Lê Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri chia sẻ thêm về định hướng của địa phương: Trong thời gian tới thì địa phương sẽ tiếp tục, định hướng xin chủ trương của huyện mở rộng diện tích nuôi sò. Chủ trương của địa phương hiện nay là vừa phát triển kinh tế đồng thời cũng vừa bảo vệ rừng. Việc là nuôi sò, giữ sò, đồng thời chúng ta lồng vào việc bảo vệ được rừng ngập mặn. Nên nếu như chúng ta kết hợp 2 nội dung này thì rất tốt, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ rừng.
Nuôi sò huyết dưới tán rừng ngập mặn không chỉ là mô hình được triển khai hiệu quả tại tỉnh Bến Tre mà nhiều địa phương khác như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu,… bà con cũng đã áp dụng thành công. Hiệu quả của mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng ngập mặn đã giúp người dân thấy được lợi ích của công tác bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Mô hình này không những cải thiện đáng kể sinh kế người dân mà còn góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu nhờ việc gìn giữ và từng bước gia tăng diện tích rừng ngập mặn.
Theo: https://vovgiaothong.vn/newsaudio/nuoi-so-huyet-duoi-tan-rung-ngap-man-mo-hinh-moi-cua-nong-dan-ben-tre-d36891.html
Chia sẻ: